4 Lợi ích của việc tạo kho dữ liệu trên Cloud
Xem nhanh
Cloud đã trở thành một giải pháp đột phá cho việc lưu trữ dữ liệu và duy trì kho dữ liệu, qua đó mang lại những lợi ích không thể phủ nhận cho doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của việc tạo lập và duy trì kho dữ liệu là một điều hiển nhiên đối với mọi doanh nghiệp. Chức năng chính của kho dữ liệu là để cung cấp các dữ liệu theo một cấu trúc và định dạng phù hợp cho việc ứng dụng trong nội bộ, đặc biệt là ở quá trình ra quyết định.
Để tạo lập kho dữ liệu, ta có thể trích xuất dữ liệu trực tiếp từ cơ sở dữ liệu nội bộ gốc, bao gồm các dữ liệu bán hàng, marketing, tài chính, thậm chí là cả các dữ liệu bên ngoài từ các nguồn khác. Đây là một lượng dữ liệu khổng lồ, và vì vậy để kiểm soát chúng sẽ tốn rất nhiều công sức. Doanh nghiệp có quy mô càng lớn, thì việc tìm ra giải pháp lưu trữ và duy trì kho dữ liệu một cách hiệu quả lại càng khó khăn.
Trong những năm gần đây, các dịch vụ về cloud đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, và Cloud cũng được dự đoán sẽ là xu hướng không thể thiếu trong tương lai. Theo báo cáo về Cloud của Right Scale năm 2019, trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có tới 84% có chiến lược sử dụng cloud, 79% sử dụng Cloud để lưu trữ dữ liệu CNTT, và lượng tiêu dùng trên Cloud là vô cùng lớn với xu hướng tiếp tục gia tăng nhanh [1]. Có thể nói, Cloud đã trở thành một giải pháp đột phá cho việc lưu trữ dữ liệu và duy trì kho dữ liệu, qua đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Các dịch vụ Cloud thường được tính trên nhu cầu sử dụng, với chính sách giá theo dạng dùng tới đâu, trả tiền tới đó. Do đó, một trong những lợi ích lớn nhất của việc sử dụng Cloud để lưu trữ dữ liệu nằm ở khả năng quản lý chi tiêu và tài chính. Với Cloud, doanh nghiệp sẽ không còn phải bỏ ra những khoản đầu tư ban đầu lớn cho phần cứng, và trả tiền cho phần dung lượng mà họ không sử dụng (CAPEX). Thay vì phải mua, sở hữu, duy trì các trung tâm dữ liệu và máy chủ vật lý, họ có thể trả phí cho các nhà cung cấp Cloud để sử dụng các dịch vụ công nghệ như năng lực tính toán, hệ thống lưu trữ, và cơ sở dữ liệu theo đúng nhu cầu của mình (OPEX).
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp minh bạch hơn về các chi phí CNTT, cũng như chủ động có kế hoạch cho các chi phí trong tương lai, dựa trên nhu cầu mở rộng của doanh nghiệp. So với mức chi phí văn phòng và thiết bị khổng lồ, thì chi phí để sử dụng Cloud thấp hơn rất nhiều, đồng thời cũng dễ kiểm soát hơn.
Điều này có nghĩa là, nhờ có Cloud, doanh nghiệp sẽ bỏ bớt được gánh nặng quản lý cơ sở hạ tầng và trung tâm dữ liệu, qua đó tập trung được hơn vào các yếu tố quan trọng với doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng điều chỉnh quy mô của kho dữ liệu tùy theo tình hình hoạt động kinh doanh. Nhờ có Cloud, việc mở rộng và thu nhỏ quy mô đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Cloud giúp doanh nghiệp nhanh chóng truy cập được vào kho dữ liệu, bằng nhiều thiết bị và trên thời gian thực.
Các doanh nghiệp thường sở hữu một hệ thống các thiết bị và công nghệ khác nhau, dẫn tới hàng giây có tới hàng trăm, hàng triệu lượt truy cập. Do đó, hệ thống dữ liệu cần phải nhanh chóng để đảm bảo doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả. Thông qua việc lưu trữ dữ liệu trực tuyến, doanh nghiệp có thể truy cập dữ liệu từ bất cứ đâu. Tính linh hoạt này của Cloud đặc biệt cần thiết cho các doanh nghiệp toàn cầu, với đội ngũ nhân viên liên tục thay đổi nơi làm việc.
Ngoài ra, điện toán đám mây (Cloud Computing) và công nghệ IoT về lưu trữ khác cũng có thể tự động cập nhật, thích ứng với mọi thay đổi. Các tài nguyên do đó cũng được thay đổi theo thời gian thực, tùy theo nhu cầu sử dụng. Như vậy, nhờ có các dịch vụ Cloud, doanh nghiệp có thể truy cập một lượng lớn dữ liệu ngay lập tức từ nhiều địa điểm và thiết bị khác nhau, chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Điều này giúp giảm độ trễ và cải thiện năng suất làm việc của doanh nghiệp.
Sự sẵn sàng là để chỉ khả năng năng hỗ trợ liên tục, tức dữ liệu luôn sẵn sàng được sử dụng tại mọi thời điểm. Các nhà cung cấp dịch vụ Cloud luôn có một hệ thống phòng ngừa để tránh bị tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ). Từ đó loại bỏ được nguy cơ mất dữ liệu trong trường hợp xấu. Dữ liệu trên Cloud được sao lưu và lưu trữ trên nhiều máy chủ khác nhau.
Thậm chí, doanh nghiệp có thể tạo ra một vùng biệt lập để chứa các dữ liệu độc quyền, qua đó đảm bảo rằng những dữ liệu này không thể gây ảnh hưởng hay chịu ảnh hưởng từ các vùng khác, giúp giảm khả năng mất dữ liệu. Cho dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ, thì việc bị sập kho dữ liệu cũng gây nên những tổn thất lớn. Tuy nhiên, với Cloud, dữ liệu luôn được sao lưu và đảm bảo an toàn kể cả khi xảy ra sự cố.
Không ít người cảm thấy quan ngại về khả năng bảo mật dữ liệu của Cloud. Tuy nhiên, việc lưu trữ trên Cloud được các chuyên gia bảo mật đánh giá cao hơn so với việc lưu trữ dữ liệu tại chỗ (on-premise). Cụ thể, ông David Linthicum, chuyên gia về Cloud, đã chia sẻ rằng: “CNTT nên tận dụng những lợi ích của bảo mật trên Cloud, chứ không phải là phớt lờ chúng” [2]. Trong một buổi phỏng vấn, Sean Roche, phó giám đốc của Hội đồng Chuyển đổi Số, trực thuộc CIA, cũng đã khẳng định: “Kể cả khi yếu nhất, Cloud cũng bảo mật tốt hơn so với một giải pháp dịch vụ khách hàng” [3]. Trong vòng vài năm trở lại đây, các nhà cung cấp dịch vụ Cloud đã đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống kiểm soát truy cập, xác minh và quản lý danh tính, ngăn chặn xâm nhập, đồng thời liên tục phát triển các công nghệ mới, qua đó nâng cao tính năng bảo mật, kiểm soát, và cải thiện dịch vụ.
Năm 2020 đã mang lại những thay đổi đột phá trong thế giới số. Các tổ chức thuộc mọi loại hình, quy mô và trên nhiều lĩnh vực cũng đang sử dụng đám mây cho nhiều mục đích khác, ví dụ như email, máy tính để bàn trực tuyến, phát triển và thử nghiệm phần mềm, phân tích dữ liệu lớn và các ứng dụng web hướng tới khách hàng. Vì vậy, lợi ích của công nghệ đám mây, tùy theo thực tế sử dụng của từng doanh nghiệp, là không thể phủ nhận.
Liên hệ với chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của FPT Cloud
Fanpage: https://www.facebook.com/fptsmartcloud/
Email: [email protected]
Hotline: 1900 638 399